Chào mừng bạn đến với ngovanhung93.blogspot.com!

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

HÌNH ẢNH LỚP 12A11 TRONG NGÀY TỔNG KẾT NĂM HỌC 2010 - 2011

Hội đồng hương Xuân Tiến

10 hot boy 12A11


Tập thể lớp





Những anh chàng đẹp trai bẩm sinh!

ƠN GỌI GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH KIÊN LAO 2011

Paul. Ngô Văn Hưng















Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

ĐÁP LỜI XIN VÂNG

Xin vâng theo Chúa một đời

Tin yêu phó thác hồng ân hành trình

Cuộc đời với những hy sinh

Cuộc đời phục vụ trong tình Chúa yêu

Xin vâng sống tốt thật nhiều

Cuộc đời thánh hiến đáng yêu vô cùng

Xin vâng trọn kiếp tôi trung

Xin vâng đáp trả thủy chung một đời

Xin vâng đi khắp mọi nơi

Xin vâng phục vụ với lời hoan ca

Tình yêu Thiên Chúa bao la

Tình con nhỏ bé như là hạt sương 

Xin vâng vui bước lên đường

Đồng hành với Chúa tình thương ngập tràn

Xin vâng trong Chúa bình an

Đời con có Chúa vinh quang tuyệt vời

Hành trình phó thác mọi nơi

Một đời phục vụ, một đời hồng ân.


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

CHỮ TÂM TRONG CHỮ HIẾU

1.Chữ tâm trong Thánh Kinh.

Chữ Tâm trong Thánh Kinh, bắt nguồn từ "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8), vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi phó nộp Con Một của Người cho thế gian.
"Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta." (Rm 5, 8). Bởi đó, có lệnh truyền "chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" (Ga 15,17).
Chữ tâm được biểu lộ cách trọn vẹn nhất là " Chết cho người mình yêu", một chữ tâm đi cho đến tận cùng khả năng của con người, "hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn", người Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm.
Chữ tâm trong chữ Hiếu ở mười điều răn, được nhấn mạnh trong điều răn thứ tư mở đầu phần hai của Thập Giới, ấn định trật tự của đức ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Người chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. "Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu bền trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20,12).
Thảo Kính cha mẹ, là tương quan phổ quát nhất, nền tảng nhất cho các tương quan khác : Trò đối với thầy, thợ đối với chủ, công dân đối với tổ quốc,...và ngược lại "thảo kính cha mẹ" cũng hiểu ngầm và bao hàm việc cha mẹ có bổn phận với con cái, chủ đối với thợ, thầy đối với trò, người cầm quyền đối với dân...người sống theo đạo hiếu này thì được những phần thưởng thiêng liêng, và những phần thưởng khác của trần thế là an bình và thịnh vượng.

2.Chữ tâm trong Hiếu Kinh.

Chữ tâm trong học thuyết của Khổng Tử, luôn thiên về thực tiẽn và lấy đạo nhân làm chủ yếu. Nhân là lòng yêu thương rộng khắp bao trùm cả con người và vạn vật. Người có đạo nhân là người mang trong mình dòng máu yêu thương, lấy yêu thương để hoàn tất mọi sự trong đời. Khổng Tử chỉ rõ, chữ Tâm bắt nguồn từ bản thân đến gia đình, theo lẽ thường, cha mẹ, anh chị em, là người thân thiết nhất, ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng dung thứ và từ ái được. Do đó, vấn đề hiếu đẽ, lẽ nhạc, có vai trò rất quan trọng trong Nho Giáo, đức Khổng Tử giảng dạy rất kỹ cho thầy Tăng Sâm, phần này sau thành sách Hiếu Kinh, đời Hán nó được liệt vào quyển kinh thứ bảy, sau Thi, Thư, Lẽ, Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
Hiếu được đặt thành Kinh, cho thấy tầm quan trọng của chữ Hiếu, và trong chữ Hiếu chữ Tâm là quan trọng " Tận tâm kính dường phụ mẫu". Từ việc tận tâm với cha mẹ, người con cũng tận tâm với mọi người "Yêu cha mẹ, ghét người chẳng dám: kính song đường, chẳng dám khinh người". Người yêu kính cha mẹ mình thì thấy cha mẹ người, hoặc người già như cha mẹ mình, thì đều yêu kính.
"Dạy dân thân yêu, chẳng gì hay bằng hiếu;
dạy dân lẽ nhượng, chẳng gì hay bằng đẽ;
dời thói đổi tục, chẳng gì hay bằng nhạc;
an trên trị dân, chẳng gì hay bằng lẽ;
lẽ đó, kính mà thôi vậy.
Cho nên
kính của mình cha, thì con đẹp lòng;
kính của mình vua, thì bầy tôi đẹp lòng;
kính của mình anh, thì em được đẹp lòng;
kính một người, mà muôn người được đẹp lòng;
phần kính đó là ít, phần đẹp lòng đó nhiều.
Ðó là cái gọi là cốt yếu đạo vậy." (Chương 12, sách Hiếu Kinh)
.

3. Chữ tâm trong Phật Giáo.

Thường trong kinh nói hiếu là mẹ tất cả các công đức, hiếu là gốc của hạnh. Nói đến hạnh là nói đến hạnh của Phật, nói đến đạo hiếu là nói đến đạo của Phật.
Hiếu và Hạnh, đều có tâm làm trọng yếu. Trong nhà Phật thường dạy: Tâm thành thì việc tốt. Tâm thành, dù một việc hết sức bình thường mà tác dụng, kết quả rất to lớn. Cho nên nói tới đạo Phật là nói đến tâm. Việc làm của người con Phật là căn cứ từ nơi tâm. Mọi sinh hoạt của ta phải xuất phát từ tâm chân thành. Lượng bao nhiêu cũng tốt nhưng phẩm chất mới có giá trị.

Nói tới tâm thì ai cũng có tâm. Là người mang trong mình dòng máu đỏ, ai cũng từ cha mẹ sinh ra, có sự sống. Chúng ta có ca tụng cha mẹ sinh ra ta với bao nhiêu nhọc nhằn năm tháng nuôi nấng. Có kể hết một đời cũng chưa xong, nhưng theo đó mà trôi tròn hiếu đạo. Việc làm con, chữ hiếu luôn lấy làm trọng thì thân mới vinh.

Chuyện kể rằng:
Một tu sỹ nọ, muốn lên Tây phương để tìm gặp Phật Tổ.
Nhiều người biết được, nên gửi gắm ước nguyện và phẩm vật của họ cho vị tu sỹ, mong sao khi vị tu sỹ, gặp được đức Phật, thì dâng các lẽ vật để cúng dường.
Nhưng đường dài, nhiều gian khó, năm lụn tháng chầy vị tu sỹ này quá mệt mỏi, do đó ông quên và bỏ đi hết những gì bạn hữu gửi gắm.
Cuối cùng ông cũng đến được Tây Phương, nhưng khi tới nơi ông mới vỡ lẽ tất cả những gì ông đã vứt bỏ, đều đang ở bên Ðức Phật, lòng thành của mỗi người đã làm cho lẽ vật của họ đến với Ðức Phật.
Còn vị tu sỹ, phải lãnh nhận quả báo, trở về, lặn ngụp trong bùn nhơ, để mà mò tìm những gì mà ông đã vứt bỏ.
Cho nên, nói được thì phải làm được. Có tâm thành thì mới có sự hoàn tất tròn đầy.
Dù cho phẩm vật dâng cho cha mẹ khiêm tốn, giản dị, bình thường với tấm lòng tâm thành, cũng được kể là trọng.
Thế nên, Tăng sâm có nói: "Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt.
Hiếu cảm đến trời thì mưa gió hoà thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hoá sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều đến".
Người cảm được như vậy, nói được và làm được như vậy, chính là người đã làm tròn bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ.
Chủ trương của đạo Phật là chính từ mỗi con người chúng ta phải hoàn bị, đầy đủ, thật trôi tròn nhiệm vụ và tư cách của mình.
Bao giờ bổn phận của mình chu toàn thì chung quanh mình được ảnh hưởng. Tinh thần đó bắt nguồn từ tâm thành của mỗi người chúng ta.

4. Chữ tâm trong dân gian.

Nền luân lý bình dân không có tính cách cao siêu, dạy cho ta một quan niệm xử thế tuỵêt đích hay một tôn chỉ thoát tục. Mặc dầu, đối với bản thân, nền luân lý ấy khuyên ta có một tư cách cao thượng thanh khiết. "giấy rách phải giữ lấy lề" hoặc " đói cho sạch rách cho thơm".
Ðôi khi, ta thấy ảnh hưởng rõ rệt của Nho Giáo mà sự bành trướng vượt ra khỏi phạm vi giai cấp Nho sĩ để ảnh hưởng tới đại chúng bình dân.
Ta không thể phủ nhận ảnh hưởng ấy được, vì ngày trước cũng đã có nhiều vị quan đem những điều mình biết về Nho Giáo, rồi đem ra dạy cho dân, và trong dân cũng có nhiều người tài giỏi sống đời ẩn dật mà giúp đỡ dân học cái đạo lý làm người qua các sách Thánh hiền.
Sự lớn rộng của Nho phong ấy đi vào từng nếp sống gia đình, cái đạo lý ấy làm cho gia đình có một nề nếp, có một bầu khí kính trên nhường dưới, có tôn ti trật tự gắn bó yêu thương.
Nói thế, người Việt Nam không phải là không có nền luân lý riêng, tuy nó không hệ thống như Nho Giáo, nhưng nó bàng bạc khắp nơi, qua những ca dao bình dân, nền luân lý ấy, đôi khi thật đơn giản, bình thường.
Người Việt Nam không nhắm tới việc sống như một ông Thánh mà cốt sao tìm được sự hoà thuận trong gia đình: " Thuận Vợ Thuận chồng, tát bể đông cũng cạn."
Hoặc dạy bổn phận làm con, biết ơn cha mẹ : "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Ðơn giản mà dẽ hiểu: "anh em thương nhau như thể tay chân", hoà hảo là hơn hết đối với xã hội: "Một sự nhịn, chín sự lành". Lấy lòng nhân quan trọng hơn hết :"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Sống với nhau cần có một tấm lòng, cái lòng của một luỹ tre xanh mộc mạc, chất phác mà bao công dụng, để rồi đi đâu, cũng nhớ cũng thương tới những luỹ tre xanh ấy.
Xét qua vài góc nhìn về chữ tâm trong chữ hiếu, chúng ta có thể nhận ra rằng, trước khi Kitô Giáo được gieo vào lòng quê Việt Nam, thì từ ngàn đời, Thánh Thần đã chuẩn bị trong tâm hồn người Việt một mảnh đất tốt, để sẵn sàng đón nhận hạt giống Tin Mừng.

LUYỆN TẬP QUÊN

Sách Liệt Tử có câu chuyện như sau: Nước Tống có một người đã đứng tuổi, tự nhiên mắc bệnh kỳ lạ là bệnh quên. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì, ngày mai lại chẳng nhớ, ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì, bây giờ thì quên hết. Và bây giờ đang làm gì, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh, mời thầy chạy thuốc, chữa hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi. Sau đó có ông thầy đồ, người nước Lỗ nói rằng chữa được. Vợ của người bệnh hứa với ông đồ là nếu chữa lành bệnh cho chồng, thì sẽ chia cho ông phân nữa gia sản. Trước hết ông thầy đồ thử anh bệnh bằng cách lột áo anh ra để cho bị rét lạnh, thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn, thì anh ta xin ăn. Sai đem anh vào trong chỗ tối, thì anh xin ra chỗ sáng. Thấy những phản ứng như vậy của người bệnh, ông thầy đồ càng tin tưởng và nhận lời chữa bệnh. Chẳng ai biết ông thầy đồ đã chữa như thế nao mà sau 7 ngày, anh trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi tỉnh táo bình thường, thì anh ta lại sinh nóng giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi thầy đồ đã chữa bệnh cho mình. Những người xung quanh bắt giữ ông lại và hỏi lý do tại sao làm thế, thì được anh trả lời như sau: Lúc trước tôi mắc bệnh quên, thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không, tôi chẳng cần biết. Nay hết bệnh, tôi nhớ tất cả mọi sự, cả những chuyện của mấy mươi năm về trước - chuyện vui, chuyện buồn, chuyện yêu, chuyện ghét, chuyện thành công, chuyện thất bại - lòng tôi trở nên rối bời, ngổn ngang trăm mối. Chuyện buồn, chuyện ghét, chuyện thất bại thì lại nhớ dai và nhớ sâu hơn. E rằng sau này những chuyện ấy sẽ bám lấy tôi mãi mãi, dù có muốn quên cũng không quên được. Và nếu bị dày vò như vậy, thử hỏi tôi có tức giận được hay không chứ?
Câu chuyện vui trên có thể làm chúng ta suy nghĩ và nói: nếu có trí nhớ mà như vậy, thì thà bệnh quên có lẽ tốt hơn. Nhưng chúng ta không cần cầu chúc mình mắc bệnh quên, để sống an nhàn thư thái. Mỗi người chúng ta cũng có thể luyện cho mình một thái độ sống chỉ nhớ những điều tốt, và biết quên đi những phiền muộn, những xúc phạm do anh chị em gây nên. Ðể giúp ta dễ dàng quên đi những gì tiêu cực, chúng ta hãy tập sống tha thứ cho anh chị em thật lòng: tha thứ cho anh chị em đến bảy mươi lần bảy, tha thứ không giới hạn, như lời Chúa đã dạy cho các tông đồ. Chúng ta sẽ không hưởng được niềm vui với tâm hồn an bình thư thái nếu chúng ta không quên đi những xúc phạm của anh chị em và thật lòng tha thứ cho họ.
Chúng ta không cần cầu chúc cho mình mắc bệnh quên kỳ lạ như anh chàng nước Tống trong câu chuyện kể trên. Thánh Phaolô tông đồ đã khuyên các tín hữu hãy để cho ân sủng Chúa Kitô thanh luyện, trở nên con người mới, sống theo tinh thần mới, tinh thần của Chúa Giêsu Kitô. Nơi chương 4 thư Êphêsô, từ câu 24 trở đi, thánh Phaolô đã khuyên những người con tinh thần của mình như sau: "Anh chị em hãy chừa nói dối, hãy nói thật với nhau, vì chúng ta là chi thể trong cùng một thân thể. Có lỡ ra mà nóng giận thì chịu vậy, nhưng đừng phạm tội bởi đó. Ðừng tích lòng giận dữ tới lúc mặt trời lặn. Ðừng mở dịp cho ma quỉ cám dỗ... Anh chị em chớ làm phiền lòng Chúa Thánh Thần... Anh chị em hãy trừ diệt khỏi mình mọi gay gắt, nóng giận, căm phẫn, mắng nhiếc, chửi rủa và mọi thứ gian ác. Trái lại, hãy ăn ở hiền lành hòa nhã với nhau. Hãy tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa, vì Chúa Kitô, đã tha thứ cho anh chị em vậy" (Ep 4,24-27.30-32)
Nếu tất cả mỗi người chúng ta cố gắng hằng ngày để sống như vậy, thì không còn cần "bệnh quên" để thoát ra khỏi sự phiền muộn của cuộc đời. Chúa biết điểu này khó, đối với bản tính yếu hèn loài người, nên Ngài đã dạy các đồ đệ hãy luôn cầu nguyện: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin khẩn cầu cùng Chúa ban cho con một tâm hồn tươi trẻ, trinh trong như suối nguồn êm chảy, không tích chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp, biết thông cảm và hy sinh. xin Mẹ hướng dẫn con đến với Chúa Giêsu Con Mẹ, và học lấy bài học sống hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng. Amen.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

ĐƯỜNG MẸ ĐI LÀ ĐƯỜNG CẬY TRÔNG

Salve spes nostra  salve" (Kính chào Lẽ Cậy Trông của chúng con).  Khi đêm đến, đèn đóm tắt ngấm, thật ấn tượng, sau giờ kinh tối trong tu viện, lắng nghe bài ca tràn ngập ánh sáng, êm ái và bình an "Salve Regina"   (Kính chào Đức Nữ Vương).  Để chờ đợi và chuẩn bị đón ngày mới, Giáo Hội hướng nhìn về Mẹ Maria như ngôi sao bắc đẩu mời mọc đến bến và bước đi trong ánh sáng Chúa Giêsu Kitô.

"Salve Regina, spes nostra, salve" (Kính chào Đức Nữ Vương, Lẽ Cậy Trông của chúng con).  Trên con đường cậy trông mà chúng ta cố gắng khám phá các đặc nét trong suốt kỳ phòng này, Đức Maria là người dẫn đường đặc biệt.  Chúng ta hãy bước theo Mẹ, trong suốt hành trình tại thế, cho đến khi tham dự vinh quang của Con Mẹ phục sinh.  Trong hành trình cuộc sống của Mẹ, Mẹ thật sự là bình minh báo hiệu ngày mới; mời các bạn đọc lại cuộc đời Mẹ như hành vi của đức cậytrông.

ĐỨC MARIA, THIẾU NỮ ÍT-RA-EN.
Truyền thống Kitô giáo mời chúng ta nhìn nhận và tôn vinh ông bà Gioakim và Anna là thân phụ - mẫu của Đức Maria, các ngài có thế giá giữa dân Ítraen, trong suốt chuổi dài 18 thế kỷ, từ thời Apraham xuất hành, một dân tộc có ý thức về sự lựa chọn của Thiên Chúa độc nhất, Đấng yêu thương con người và ao ước sống với con người bằng mối tương quan giao ước và bằng hữu.  Trải qua nhiều thử thách thanh luyện, dân tộc này, vào thời Đức Maria chào đời, còn giữ ký ức về một Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi dân tộc Ítraen, một dân tộc không phải khi nào cũng tín trung với Thiên Chúa, tuy nhiên dân tộc này luôn làm mới lại lòng cậy trông đặt nơi Thiên Chúa.  Thật sự đây là dân tộc bộc lộ lời hứa của Thiên Chúa cho nhân loại và sống trong chờ đợi lời hứa ấy được thực hiện.  Ông bà Gioakim và Anna là thành viên của dân tộc Ítraen đáng thương này, là thành viên những người công chính, thế chỗ cho ông Simêon và bà Anna mà Tin Mừng Luca nói đến, họ chờ đợi niềm an ủi của Ítraen: "Hồi ấy ở Giêrusalem có một người tên là Simêôn, ông là người công chính và sùng đạo; ông đang mong đợi niềm an ủi của Ítraen" (Lc 2, 25).

Đức Maria sinh ra và lớn lên trong bầu khí chờ đợi và cậy trông của dân tộc mình, được nuôi dưỡng bằng ký ức những sự trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện, được các thế hệ này qua thế hệ khác truyền lại trong Sách Thánh.  Hãy chiêm ngưỡng Đức Maria thiếu thời, thôn nữ miền Galilê, luôn mang trong mình niềm cậy trông sống động và trung trực, được xây dựng trên sự trung tín của Thiên Chúa.  Hơn tất cả tâm hồn khác, tâm hồn mẹ cởi mở, đón nhận tìnhyêu bất ngờ của Thiên Chúa.  Như cánh buồm trước gió, mẹ sẵn sàng dưới hơi thở của Thánh Thần.  Không một vết tích tội lỗi cầm giữ mẹ làm nô lệ, mẹ chìm sâu vào chính mình.  Mẹ cậy trông, chờ đợi, ao ước Thiên Chúa như bông hoa tươi thắm của Ítaren: "Này tôi là tối tớ Thiên Chúa; xin hãy thành sự nơi tôi như lời thiên thần truyền" (Lc 1, 38).

Trong biến cố Truyền Tin, như bông hoa sắp nở, Đức Maria rất trẻ trung, mở rộng con tim đón ánh sáng của Thiên Chúa với ý thức về sứ vụ của mình: trở nên mẹ của Đấng thuộc dòng tộc Đavít.  Đấng mà dân tộc đang mong chờ, sẽ cai trị trên nhà Giacóp đến muôn đời, vương quốc của Người sẽ vô tận.  Đối với mẹ, giờ phút đó thật bất ngờ đầy ngỡ ngàng.  Làm thế nào điều đó có thể được?  "Làm thế nào điều ấy có thể xảy ra được? -  Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao phủ bóng trên bà; Vì thế Con trẻ sinh ra là Đấng Thánh.  Được gọi là Con của Thiên Chúa …  Không gì là không thể đối với Thiên Chúa" (Lc 1, 34-38).  Và Đức Maria đón nhận Lời Thiên Chúa.  Mẹ tin rằng có thể điều dưới mắt nhân loại thì vô phương.  Trong lịch sử còn có hành vi cậy trông nào cao đẹp hơn nữa không: hành vi làm nên khả thể sự biểu hiện của Thiên Chúa qua gương mặt nhân loại được sinh ra bởi người phụ nữ, là Đức Giêsu Kitô; nơi Người hoàn tất mọi lời đã hứa với Ápraham; nơi Người thực hiện niềm cậy trông của Ítraen; Người mở cho nhân loại một  tương lai.   Lời "xin vâng" của Đức Maria, theo cha Rahner, là lời xin vâng đầu tiên của Giáo Hội.  Trong ánh sáng của lời đó chúng ta không ngừng đổi mới hành vi đức tin của chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa khi mà, bằng nhiều cách thế, trước một hoàn cảnh hay những sự lựa chọn phải thực hiện, chúng ta khẩn cầu: làm thế nào điều đó có thể được thực hiện?  Với Đức Maria, chúng ta phải nghe lại lời của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…  Không gì là không thể đối với Thiên Chúa" nơi một tâm hồn rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa.

NIỀM CẬY TRÔNG MANG GƯƠNG MẶT: MẦU NHIỆM THĂM VIẾNG.
Một cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên giữa Đức Maria và bà Êlisabét, trong đó lần đầu tiên quyền năng của Đấng mà mẹ vừa cưu mang; và Đấng mà nhờ mẹ, đi vào con đường nhân loại, con đường của mọi người được thể hiện, và sẽ không bao giờ lìa xa con đường đó nữa.  Điều này ở nơi trung tâm trình thuật của Luca.  Thánh Gioan Tẩy Giả nhảy lên vui mừng trong dạ bà Êlisabét.  Bà này kêu lớn tiếng ca tụng Đức Maria: "Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!  Hạnh phúc thay cho em là kẻ tin rằng điều Đức Chúa phán đã được thực hiện" (Lc 1, 42-45).  Đức Maria trong niềm vui gặp gỡ, ý thức mạnh mẽ hơn về biến cố vừa được thực hiện nơi mẹ và từ nơi tâm can mẹ thốt lên lời Magnificat, bài ca đức cậy trông Kitô giáo.  Mẹ nhảy mừng lên trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ mẹ, và mẹ nhìn nhận mình là thân phận nữ tỳ được Chúa đoái thương nhìn đến.  Phải, nơi mẹ và nhờ mẹ, Thiên Chúa vừa thực hiện những điều trọng đại và biểu dương lòng thương xót của Người, lòng thương xót mà những người hùng mạnh, do tự kiêu và tự mãn, không thể hiểu được và lòng thương xót được biểu dương qua tâm hồn những kẻ khiêm cung; những người phận nhỏ:  lời hứa cứu độ được tuyên ra cho Ápraham và thế hệ sau ông, được làm mới lại trong suốt lịch sử Ítraen, lời hứa đó vừa mới được thực hiện.

Đối với Đức Mẹ, qua Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu con của mẹ, niềm niềm cậy trông mang gương mặt bất ngờ, gương mặt của Thiên Chúa đến với chúng ta bằng con đường khiêm hạ, nghèo hèn, gương mặt của Thiên Chúa tình yêu.  Từ biến cố Thăm Viếng, không có cuộc gặp gỡ nhân loại nào như mẹ Maria đã có, chúng ta không có được sự ý thức sống động hơn về niềm cậy trông mà chính chúng ta đặt nơi Đức Giêsu, chúng ta là những người mang niềm hy vọng và nên dấu chỉ cho anh em chúng ta.

Đức Bà Thăm Viếng, mẹ bắt gặp chúng ta trên mọi nẽo đường trần gian.  Nhờ mẹ, chính Đức Giêsu đến với chúng ta để hiện diện với chúng ta trên đường chúng ta đi, để nên ánh sáng và cuộc sống cho chúng ta .  Uớc gì với sự trợ giúp của mẹ, đến lượt chúng con, vì Đấng mà chúng ta tin cậy, chúng ta trở nên những người mang niềm vui và cậy trông.

ĐỨC MARIA Ở BÊLEM VÀ Ở NADARÉT: NIỀM CẬY TRÔNG ĐỜI THƯỜNG
Trong suốt ba mươi năm, cuộc sống của Chúa Giêsu xoay vần trong nghèo hèn, trong thanh bần, trong âm thầm, phó mặc cho may rủi của những cuộc hành trình lúc mới sinh ra hay lên đền Giêrusalem.  Một trích đoạn trong Tin Mừng Luca tóm tắt giai đoạn đó, trích đoạn dài nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu: "Sau khi đã hoàn tất những điều Luật dạy (dâng con vào đền thờ), hai ông bà trở về Galilê.  Con trẻ lớn lên, phát triển và được đầy khôn ngoan.  Và ơn sủng của Thiên Chúa ngự trên Người" (Lc 2, 39-40).  Chính qua sự đơn sơ, âm thầm này mà trong suốt ba mươi năm, Đức Maria đã cậy trông, đã mong mỏi khi nhìn Chúa Giêsu sống và lớn lên.  Như thánh Gioan Tẩy Giả trong tù ngục, mẹ đã chẳng bị cám dỗ tự hỏi: "Có phải Con là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một đấng khác?" (Lc 7, 19).  Xem ra không tín hiệu gì lạ thật sự xảy ra.  Thật ngạc nhiên, đối với một Đấng Mêsia được dân chúng mong chờ như thế, lại đến trong thế gian bằng con đường nghèo hèn và bình thản xét từ bên ngoài!  Dĩ nhiên có những biến cố làm cho tâm hồn mẹ thức tỉnh: việc ông Simêôn bồng ẳm Chúa Giêsu nơi thềm Đền Thờ làm cho mẹ thoáng thấy dấu chỉ chống đối của người đồng hương đối với Chúa Giêsu và lưỡi gươm sẽ đâm xuyên qua tâm hồn mẹ; biến cố Chúa Giêsu bị lạc và được tìm thấy lúc lên mười hai tuổi, tại Đền Thờ Giêrusalem vào dịp hành hương và lời nói gây kinh ngạc: "Chẳng phải Con phải lo việc cho Cha con sao?". Thánh Luca tường thuật rằng đức Maria và thánh Giuse "không hiểu" lời của Chúa Giêsu vừa nói với hai ông bà.  Sự biện phân của thánh Luca cho ta hiểu rằng mầu nhiệm về thần tính của Chúa Giêsu được mặc khải qua nhân tính y hệt của chúng ta.

Tôi rất hâm mộ chiêm ngưỡng Đức Maria sống niềm cậy trông, trong sự chờ đợi của tâm hồn người mẹ, tôi yêu thích chiêm ngưỡng đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu, qua nhân tính, vì chính trong cuộc sống đời thường mà chúng ta phải hy vọng, phải tín thác cho tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ ra bằng sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô.  Chính trong đời thường mà chúng ta phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, phải cậy trông nơi Người và phải yêu mến Người, như bà Madeleine Delbrêl đã rất am hiểu và đã sống điều này, qua những bất ngờ của đời thường nơi đường phố hay khi di chuyển trong đô thị.  Giai thoại tiệc cưới Cana cho chúng ta hiểu rằng, trong suốt ba mươi năm, niềm cậy trông của Đức Maria đặt nơi Con của mình được lớn lên, bởi vì mẹ dám nói với những người giúp việc: "Hãy thi hành những gì Thầy bảo".  Chính nơi dấu chỉ thứ nhất này cho thấy căn cước của Chúa Giêsu.  Đó là vẻ đẹp của niềm cậy trông nơi Đức Maria tại Bêlem, tại Nadarét…

ĐỨC MARIA CỦA NHỮNG NẺO ĐƯỜNG PALESTINE.
Đức Giêsu rời khỏi làng Nadarét, rời căn nhà thân thương, để hành trình trên các nẻo đường Galilê và để lên đường đi Giêrusalem một  ngày nào đó.  Trên con đường lang bạt,  căn cước thật của Chúa Giêsu dần dần được mặc khải ra; tuy nhiên việc  mặc khải gương mặt thật của Đức Giêsu trong tương quan với nhân loại giáp mặt với sự bất đồng cảm, bắt bớ, và cuối cùng là từ bỏ.    Quảng đời ba năm này đối với Đức Maria là sự thanh luyện niềm cậy trông của mẹ: sự đau khổ của người mẹ trước bấp bênh nguy hiểm đối với Đức Giêsu; sự đau khổ của mẹ khi ra khỏi hội đường Do thái ở Nadarét, mẹ thấy người đồng hương hăm dọa Con, muốn xô Con xuống vực thẳm, sự đau khổ của mẹ đi tìm Con, khi con không đủ giờ để ăn uống nghỉ ngơi và bị người ta cho là tam tam, mất trí, thật xao xuyến khi mẹ và  bà con đến thăm và nghe Chúa trả lời : "Nhưng ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?" (Mc 3, 33) và khi nghe Chúa trả lời cho người phụ nữ tán dương người mẹ diễm phúc được làm mẹ một người con như thế : "Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ lời của Thiên Chúa"(Lc 11, 28).

Ngang qua những bất trắc xảy tới cho Đức Giêsu tính cứu tinh chân thật của Chúa được bộc lộ ra.  Khi nghe lời Chúa nói, Đức Maria suy nghĩ, vươn lên tầm vóc ngang hàng với Con chí thánh.  Mẹ cảm nghiệm, như ngày Truyền Tin, ngày ươm mầm Lời mà mẹ đón nhận trong lòng mình: "Xin hãy thành sự như lời sứ thần truyền".  Và Lời hằng sống này là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm cho nhân tính của Chúa Giêsu trở nên một gương mặt bất ngờ, gương mặt của tình yêu bất bạo động và buông vũ khí, cần phải đặt mình vào hòan cảnh này.  Đức Maria, hiện diện trên đường tông đồ của Chúa Giêsu một cách kín đáo nhưng không ngừng quan tâm và tỉnh thức, mẹ cũng làm như thế trên nẻo đường của chúng ta khi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.  Ngay nơi tăm tối làm chúng ta hoang mang, những mâu thuẫn chúng ta gặp phải, mẹ là nơi chúng ta cậy dựa để chúng ta quay về với Chúa Giêsu và sống, cùng với mẹ, xứng đáng với tình thương của Chúa Giêsu.

ĐỨC MARIA TRÊN ĐỒI CAN-VÊ
"Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người" (Ga 19, 25).  Động từ gây ấn tượng: "Mẹ đứng" (stabat).  Trong đêm tối đau thương và chết chóc của Chúa Giêsu, một tử tội bị đánh bầm dập và bị bỏ rơi, Đức Maria đứng gần Con.  Mẹ hiệp nhất với Con.  Mẹ sống, trong tâm hồn bị xuyên thủng, sự đau khổ và sự chết của Con mẹ.  Mẹ đứng thẳng, mẹ không gục ngã.  Đó là thái độ canh gác, của tâm hồn cảnh giác, luôn chú ý, của tâm hồn tiếp tục tin vào Chúa Giêsu, cậy trông nơi Người.  Mẹ cậy trông, mẹ chờ đợi trong đêm khuya, mẹ không hiểu hết nhưng giờ này đây làm nên điều mẹ đã đồng ý trở nên mẹ của Chúa Giêsu, như ông già Simêôn đã cho mẹ thoáng thấy.

Trong giờ phút tăm tối, đối với mẹ, lại bộc lộ ra sự tinh tế của tâm hồn Chúa Giêsu; khi nhìn thấy mẹ, thánh Gioan nói lại cho chúng ta, Chúa Giêsu trối mẹ cho môn đệ Người yêu mến, đồng thời trối Gioan cho tình yêu thương của mẹ.  Đó không phải là thời điểm, của ích kỷ, của tranh giành, nhưng là thời điểm mở rộng con tim cho vừa tầm của mọi người.  Tâm hồn yêu thương của mẹ đón nhận từ con tim của Chúa Giêsu, một khả năng yêu mến theo mẫu gương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa tỏ bày quyền năng của mình ra trong tha thứ, trong cứu chuộc.  "Có phải bạn sắp chìm vào vực thẳm buồn sầu và thất vọng không?". Thánh Bernard hỏi thế; lúc đó ngài khuyên: "Trong cơn hiểm nguy, hãy nhớ đến Đức Maria, hãy cầu khẩn với mẹ". Tin tưởng, cậy trông trong đếm tối đau khổ và chết chóc…   Không có thập giá nhân loại nào mà Đức Maria không gần gũi để bảo vệ chúng ta trong niềm cậy trông của ngày mới, trong niềm cậy trông Chúa Giêsu đến.

ĐỨC MARIA CỦA BÌNH MINH NGÀY PHỤC SINH
Trong các trình thuật Kinh thánh không thấy nói đến Đức Maria chứng kiến ngôi mộ trống và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.  Vào thời điểm vui mừng và vinh quang biểu lộ thần tính của Chúa Giêsu, Đức Maria, cũng như vào ngày Truyền tin, chỉ muốn là nữ tỳ của Chúa.  Thánh Gioan đón mẹ về nhà mình, một cách kín đáo nhưng sâu đậm và duy nhất.  Mẹ tham dự vào niềm vui chiến thắng của Chúa Giêsu, một chiến thắng không có hương vị báo thù nhưng là chiến thắng của sự hòan tất, của cuộc vượt qua cho một cách sống mới, một nhân lọai mới.  Trước cuộc thương khó Chúa Giêsu đã nói đến chiến thắng này như sự hạ sinh làm cho người mẹ đau khổ trong chốc lát nhưng sau đó làm cho người mẹ nhanh chóng được niềm vui vì sinh hạ một người con vào đời.  Đức Maria tham dự vào niềm vui của Chúa Giêsu.  Đức Maria trở nên mẹ của nhân lọai mới, một nhân lọai được Chúa Giêsu giải thóat khỏi sự dữ và sự chết.
Bài ca Magnificat, trong ánh sáng Phục sinh, thóat ra từ tâm hồn của Đức Maria như một bài ca giải phóng, bài ca tụng Thiên Chúa trung thành giữ vững lời hứa qua những nẻo đường xem ra xa lạ với sự khôn ngoan của trần thế.  "Chúa cứu độ Ítraen tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta.  Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời" (Lc 1, 54-55).  Bằng con đường tình yêu, không tách rời khỏi  sự nghèo hèn và phục vụ, Thiên Chúa đã giải thóat dân của Người chứ không phải bằng con đường kiêu căng, của quyền năng ức hiếp.  Đức Maria, Mẹ của nhân lọai, được cứu chuộc nhờ Con của mẹ, mẹ sẽ là người đầy tớ khiêm cung cho đến khi Vương quốc được tỏ hiện, theo kế họach yêu thương này.

ĐỨC MARIA CỦA BỮA TIỆC LY
"Tất cả họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người  phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu" (Cv 1,14).  Tham chiếu rất vắn gọn này nói về Đức Maria trong sách Công Vụ Tông Đồ tập chú  đến sự có mặt của đức Maria tại Bữa Tiệc Ly!  Các bút tích tông đồ không nhắc đến tên của mẹ: thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu như đấng "được người phụ nữ sinh ra", ngài không nêu tên đức mẹ.  Các văn kiện tông đồ giữ sự kín đáo đến ngạc nhiên về đức Maria, tuy nhiên điểm ghi chú trên đây là đủ.  Đức Maria có mặt ở đó, hiện diện ngay từ lúc khởi đầu của Giáo Hội, như mẹ có mặt tại Nadarét và trên đồi Can-vê.  Dưới ảnh hưởng của đức mẹ, tâm hồn các tông đồ sẵn sàng đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần, và Giáo Hội, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, sẽ tiếp tục lớn lên và bộc lộ ra trong suốt lịch sử nhân loại như dấu chỉ tình yêu của Con mẹ cho tòan thể nhân loại.  Đứng trước sứ mệnh Chúa Giêsu Kitô trao ban cho các tông đồ: "Các anh sẽ là nhân chứng của Thầy cho đến tận cùng trái đất", những tông đồ đầu tiên chắc chắn đã tự hỏi, như đức Maria vào ngày truyền tin thắc mắc về mẫu tính trinh khiết của mình: "Làm sao chuyện ấy có thể xảy ra được?  Làm thế nào, chúng tôi những con người hèn mọn có thể làm chứng cho đến mút cùng trái đất về một biến cố như thế?".  Và đức Maria đã phải nói với họ: "Đừng sợ, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các ông như Ngài đã làm nơi tôi điều mà các ông xem ra không thể thực hiện  được".
Ngay từ bước đầu, đức Maria đã nâng đỡ Giáo Hội vững niềm cậy trông.    cứ tiếp tục như thế mãi về sau.  Trong các cộng đòan Kitô hữu hôm nay, cũng như cộng đòan của Bữa Tiệc Ly tại Giêrusalem, chúng ta hãy đồng tâm cầu nguyện với đức Maria để dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần, Lời của Đức Giêsu mang đến trong tâm hồn chúng ta và trong thế giới hoa trái sự sống và sự tự do của Người.  Như đức Maria và với đức Maria, Giáo Hội không ngừng lặp lại: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa.  Xin hãy thành sự nơi tôi như lời Người".  Mỗi ngày, lời này phải là lời của Giáo Hội.    

ĐỨC MARIA CỦA NGÀY LÊN TRỜI.
Công đồng Vaticanô II chiêm ngưỡng giai đoạn cuối cùng của đời sống đức Maria, bằng những hạn từ: "Đức Maria được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ và sau khi hòan tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết" (GH 59).   Trên trời mẹ được vinh quang cả hồn lẫn xác, mẹ của Chúa Giêsu tượng trưng và khai mào Giáo Hội trong sự hòan tất ở giai đọan cuối cùng.  Cũng thế ở trên trần gian này, đang khi chờ đợi ngày Chúa đến, mẹ chiếu sáng như dấu chỉ của niềm cậy trông, được bảo đảm bởi những ủi an, trước mặt dân  Thiên Chúa đang lữ hành.  Đức Maria thật sự là hình ảnh của mũi thuyền Giáo Hội ngang qua lịch sử.  Mẹ là điểm đến mà chúng ta còn phải vươn tới vì Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô, chiến thắng sự dữ và sự chết.

"Tên gọi của đức nữ Đồng Trinh là Maria, thánh Bernard viết.  Danh hiệu này có ý nghĩa:  Sao biển.  Mẹ là ngôi sao cao sang mọc lên trên nhà Giacóp, mà ánh sáng của nó chiếu soi toàn thể nhân lọai, toàn thể thế giới".  Trong đêm tối của đời sống chúng ta, có khi của cả thế giới nữa , chúng ta hãy ngắm nhìn ngôi sao này và cầu khẩn đức Maria.  Ngôi sao này là chân trời của đời sống chúng ta.  Ngôi sao không ngừng nhắc cho chúng ta, ở nơi chúng ta cũng như ở nơi mẹ, ở nơi Chúa Giêsu Kitô, thần chết và sự dữ không nói lời cuối cùng và chớ gì sự sống và tình yêu chiếm phần ưu thắng.  Đó là điều mẹ nói cho chúng ta bằng chứng từ và sự trìu mến của mẹ.

Tôi nói như vậy ở Lộ Đức.  Nếu có vùng đất nào được đánh dấu bằng niềm cậy trông, thì đó chính là Lộ Đức.  Trên mảnh đất này, dưới cái nhìn của đức Maria mà vẻ đẹp làm chói lòa mắt thánh nữ Bernadette, những tội nhân là tất cả chúng ta, không ngừng, khám phá ra khả thể, nhờ nước rửa sạch của Phép Thánh Tẩy và nhờ bí tích Hòa Giải, được trở nên con người mới theo hình ảnh của Đấng nhìn xem họ và kêu mời họ thi hành điều Chúa Giêsu nói với họ trong sâu thẳm của ý thức họ.  Chính dưới ánh mắt của từ mẫu, đồng cảm và nhân từ, mà tất cả những ai đau khổ trong tâm hồn và nơi thể xác tìm lại được sự can đảm để sống và để chiến đấu trong cuộc sống nhờ sự trợ giúp của anh chị em mình.  Chính dưới ánh mắt của thân mẫu mà những người hành hương khám phá ra cách thật sự biết đón nhận sự sống của mình bằng cách cho đi sự sống đó để phục vụ tha nhân trong niềm vui.  Félix Lacambre, cựu biên tập viên  của báo "La Croix" và đảm trách  về ACO, tường thuật trong quyển sách mà ông làm chứng  cho đức tin của mình rằng tại Hang Đá, vào lúc 14 tuổi, khi thấy một người mẹ dâng con tật nguyền của mình cho đức Maria, ông hiểu ra rằng cách duy nhất hạnh phúc là làm cho người khác được hạnh phúc; và ông đã sống trong viễn cảnh đó.

Chính dưới ánh mắt của mẹ và lời mời gọi của mẹ mà Giáo Hội quy tụ lại để cử hành Thánh Thể và ý thức, không như bất cứ chỗ khác, về tình huynh đệ đại đồng mà Giáo Hội phải trở nên dấu chỉ và bột men.  Lộ Đức thật sự là điểm cao sinh họat của Giáo Hội, nơi đó Giáo Hội lấy lại hơi thở để loan báo Tin Mừng cho trung tâm thế giới mà Giáo Hội đang hành hương.  Không phải là vô ích mà các giám mục quy tụ lại nơi đây để suy tư về sứ mệnh của mình.  Và thánh nữ Bernadette ở đó để nói cho chúng ta, như trong kinh Magnificat, rằng chính nơi tâm hồn đơn sơ và cởi mở của những người nghèo hèn hôm nay cũng như hôm qua Chúa Giêsu Kitô bộc lộ ra quyền năng của tình yêu Người.  Mẹ có mặt ở đó vì lý do này . "Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này nhưng nơi thế giới khác".  Đó là lời của đức Maria nói với Bernadette.  Chúng ta phải nghe lại lời này dành cho chúng ta .  Lời nhắc lại cho chúng ta rằng chúng ta không phải tìm kiếm, không hy vọng hạnh phúc theo lối thế gian đề xuất, bằng những con đường ích kỷ, kiêu căng, tiền tài, nhưng bằng con đường tình yêu, tự hiến, vì Thiên Chúa là tình yêu và Ngài chỉ có thể được đón tiếp, khám phá bằng con đường tình yêu là con đường vĩnh hằng.  Đó là lời hứa của đức Maria cho Bernadette.

Cuối cuộc chiêm niệm về đức cậy trông của mẹ Maria, niềm cậy trông đã nâng đỡ mẹ suốt đời và đã nâng mẹ lên ngang tầm với Con của mẹ trong vinh quang thiên quốc, chúng ta hãy lắng nghe thánh Bernard nói lại cho chúng ta:"Tên gọi của đức nữ Đồng Trinh là Maria.  Danh hiệu này có  nghĩa:  Sao biển.  Mẹ là ngôi sao cao sang mọc lên trên nhà Giacóp, mà ánh sáng của nó chiếu soi toàn thể nhân lọai, toàn thể thế giới.  Ngôi sao chiếu sáng trái đất, sưởi ấm các tâm hồn. Ngôi sao làm chín muồi nhân đức và đốt cháy tục lụy" 
Các bạn tất cả, dù bạn là ai và cảm thấy thế nào chăng nữa, ngày hôm nay, bị lay động trong cơn giông tố và bão táp, xa đất liền, bạn đừng bao giờ quên ngước mắt nhìn ngôi sao này nếu như bạn không muốn chìm xuồng.
Nếu đối với bạn luồng gió cám dỗ vừa trỗi dậy, tảng đá thử thách dâng cao, bạn hãy ngước mắt nhìn ngôi sao ấy và kêu khấn danh đức Maria.
Nếu bạn bị sóng kiêu căng, tham vọng, nói xấu, ganh tỵ vùi dập, bạn hãy ngước nhìn ngôi sao ấy và kêu khấn danh đức Maria.
Tâm hồn bạn có bị rung chuyển như con thuyền yếu ớt bởi tính nóng nảy, hà tiện, đam mê xác thịt, hãy nhìn lên đức Maria.
Bạn có  xao xuyến vì tội lỗi nặng nề của bạn, bị hạ nhục vì hổ thẹn lương tâm,  kinh khiếp vì sợ án phạt, bạn nếu bạn sắp bị chìm trong thung lũng âu sầu và tuyệt vọng, trong nguy hiểm, bạn hãy nhớ đến đức Maria.
Trong xao xuyến lo âu, bạn hãy nghĩ tưởng đến đức Maria, kêu khấn đức Maria.  Chớ gì thánh danh của mẹ không bao giờ tắt lịm trên môi bạn, kỷ niệm về mẹ không bao giờ chết đi trong tâm hồn bạn.  Để nhận được sự nâng đỡ lời kinh của mẹ, đừng bao giờ đánh mất gương lành đời sống mẹ.
Đang khi tiến bước theo mẹ, bạn sẽ không lạc đường.  Trong khi cầu khẩn mẹ, bạn không có nguy cơ tuyệt vọng. Trong khi suy tưởng về mẹ, bạn không đi lầm đường.  nếu đức Maria cầm tay bạn, bạn sẽ không vấp ngã.  nếu mẹ bảo vệ bạn, bạn không còn lo sợ gì nữa.  Dưới sự chỉ dẫn của mẹ bạn không phải sợ hãi chán chường.  Sự bảo vệ của mẹ dẫn bạn tới cùng đích.
Lúc đó bạn sẽ thấy thật chí lý điều đã viết: "Tên gọi của Đức Nữ Đồng Trinh là Maria"

NHỮNG CÁNH THƯ GỬI MẸ

Ý niệm về Mẹ thường không tách rời khỏi thời gian, mà thời gian là trường cửu, bất diệt.
Ý niệm về Mẹ thường gắn liền với tình thương vô bờ, vô bến. Một thtình thương ngọt ngào, sâu lắng, hy sinh bản thân và theo con suốt cả cuộc đời. Một tình thương mà người ta có thể thả mình bơi lội trong đó. Mẹ là gốc rễ của mọi thứ tình.
Giữa cuộc sống náo nhiệt ngày nay, người ta thường chạy đua đường dài để tìm kiếm cho mình những niềm vui và hạnh phúc chớp nhoáng.
Người ta vội vã lao vào cuộc đời với những mơ ước và niềm đam mê căng đầy, bỏ lại sau lưng nhiều ân tình cao cả.
Người ta dễ đuổi theo tiền tài, danh vọng, địa vị và những hăm hố cuồng say mà lãng quên đạo hiếu làm con.
Một ngày trong năm để vinh danh những người Mẹ, là lời nhắc nhớ người ta về một suối nguồn yêu thương bao la, về một cội nguồn chẳng thể phôi pha.
Những sự kiện mang tính xã hội của Chương Trình Chuyên Đề nói riêng và Trung Tâm Mục Vụ nói chung, đều gửi đến khán giả những thông điệp về tình yêu của Thiên Chúa, về tình người dành cho nhau trong đời sống gia đình và trong tương quan xã hội…
Chương trình “Mừng ngày của Mẹ” diễn ra Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP.HCM, mong mỏi khơi gợi những phút hồi tâm, để mọi người có dịp nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, nhìn lại những ân tình thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao ban.
Khán giả có mặt tại Hội Trường ĐHY Gioan BT Phạm Minh Mẫn vào chiều ngày 01/05/2010, đã không khỏi bùi ngùi và rơi nước mắt vì những chia sẻ đầy xúc động của những người con, dù áo cài hoa hồng đỏ hay trắng, dù còn trẻ hay đã luống tuổi.
Ngày Hội Thảo đã khép lại, nhưng dư âm của những cảm xúc oà vỡ sẽ cho người ta có thêm lòng yêu thương và can đảm để nhìn thẳng vào mắt Mẹ mình và nói: “Con cám ơn Mẹ!”, “Con yêu quý Mẹ!”
Xin được chuyển tải đến Quý độc giả thêm một vài lá thư mà khán giả của ngày Hội
Thảo muốn được chia sẻ. 
1.           Mẹ thân yêu quý nhất của con
Thế là con xa Mẹ vĩnh viễn đến nay tròn 90 ngày rồi. Họ bảo rằng thời gian sẽ quên đi, nhưng riêng con càng thêm ngày, con càng nhớ Mẹ nhiều. Con biết chắc chắn Mẹ luôn nhớ con, nhớ Ngọc, nhớ Hà, nhớ các cháu, cho dù Mẹ chẳng còn hiện diện bên chúng con. Riêng con, con nhớ Mẹ nhiều lắm, con nhớ Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi. Con nhớ Mẹ qua chuỗi Lòng Thương Xót. Mẹ con mình luôn nhớ nhau, Mẹ nhé!
Chúc Mẹ hạnh phúc bên Chúa, bên Mẹ Maria, bên Thánh Cả Guise!
Các cháu cũng nhớ Mẹ nhiều. Mẹ con mình thương nhau Mẹ nhé! 
2.           Mẹ kính yêu!
Con thực sự rất cảm động và khóc thật nhiều khi nhớ về Mẹ. Nhìn các chị em cài bông hồng đỏ, áo con cài hoa hồng trắng mà lòng thấy ngậm ngùi, nước mắt cứ chực trào ra. Con nén lòng thật nhiều. Con không còn cơ hội để nói rằng: “Con yêu Mẹ” nữa! Con muốn chăm sóc Mẹ nhưng không được nữa rồi.
Mẹ ơi, Mẹ không còn hiện hữu với con trong đời thường nữa, nhưng con tin rằng Mẹ luôn ở bên con, gần con hơn bao giờ hết, Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa cho con.
Nhiều đêm con từng nằm mơ thấy Mẹ đang nâng niu, dỗ dành con. Con vẫn còn nhớ từng ánh mắt Mẹ đang nhìn con. Dẫu rằng Mẹ đã khuất bóng 10 năm nay rồi, nhưng hình bóng Mẹ luôn ở trong con như ngày nào.
Giờ đây con tin rằng Mẹ đang ở trên Thiên Quốc và dõi theo con từng bước.
Con yêu của Mẹ,
3.           Mẹ kính yêu của con
Mẹ ơi, khi bước vào tuổi trưởng thành thì con lại bất hạnh vì “không còn Mẹ”. Mẹ ra đi một cách đột ngột, con đau khổ hơn nữa vì không được nhìn mặt Mẹ lần cuối.
Thế mà đã 33 năm rồi đó. Mẹ ơi, mỗi lần nhớ về Mẹ là con lại khóc và khóc nhiều hơn nữa khi con nuôi con của con những lúc nó ốm đau, những lúc nó không ngoan. Khi con hiểu được Mẹ thì Mẹ đã mãi mãi xa con. Nhân ngày “Mừng ngày của Mẹ”, con xin Chúa đưa linh hồn Thầy Mẹ về hưởng Nhan Thánh Chúa và con hứa sẽ cầu nguyện cho Thầy Mẹ nhiều hơn nữa.
4.           Mẹ yêu!
Con năm nay đã 23 tuổi rồi đó, mà con chưa một lần thốt lên lời cám ơn, cũng như lời “Con yêu Mẹ”. Mặc dù trong lòng con rất yêu Mẹ, cũng rất biết ơn vì sự yêu thương, hy sinh của Mẹ đối với con. Con cảm thấy ngại khi nói ra, vì quê mình có ai nói thế bao giờ đâu, Mẹ nhỉ?!
Mấy năm gần đây, con luôn ước mình nhỏ lại để được sà vào lòng Mẹ, được ôm Mẹ, được nũng nịu trong lòng Mẹ. Vì từ khi lớn lên con chưa từng ôm Mẹ, mặc dù con luôn muốn làm điều đó. Trong khi con có thể biểu hiện tình cảm, cảm xúc của con đối với những người khác mà con yêu thương.
Ngày hôm nay con muốn ôm Mẹ và nói với Mẹ rằng: “Con yêu Mẹ! Con yêu Mẹ nhiều lắm!” Cảm ơn Mẹ đã sinh ra con, đã tạo điều kiện cho con ăn học, đã dạy dỗ con. Con ngày một khôn lớn và hiểu biết hơn rồi đó. Con cũng luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, nhưng con vẫn luôn cảm thấy mình là một đứa con nhỏ bé trước mặt Mẹ.
Con hứa sẽ sống tốt và luôn là con ngoan của Mẹ, Mẹ yêu của con
5.           Cha ơi, con thương Cha lắm!
Mẹ ơi, con nhớ Mẹ lắm! Nhưng Mẹ và Cha không còn ở với chúng con. Con luôn cầu nguyện cho Cha và Mẹ.
Con của Cha Mẹ,
6.           Mẹ của con
Mặc dù mẹ không còn sống trên cõi đời này nữa, nhưng con vẫn viết lá thư này cho Mẹ ở dưới Suối Vàng. Xin Mẹ, hãy tha thứ cho đứa con bé nhỏ này của Mẹ nhé! Con rất cám ơn Mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn đến ngày hôm nay! Chúng con rất thương Mẹ. Chúng con giờ đây đã trưởng thành rồi, muốn đền đáp công ơn nuôi dưỡng Mẹ, nhưng đã quá muộn. Xin mẹ hãy cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết sống noi gương Mẹ.
7.           Cám ơn Mẹ
Mẹ ơi! Con cám ơn Mẹ nhiều lắm vì Mẹ đã sinh ra con, đã nuôi nấng con, đã yêu con nhiều.
Trước đây, chắc là con chưa hiểu chuyện, con luôn nghĩ là Mẹ quan tâm đến các anh chị hơn con. Điều đó làm con tủi thân và buồn lắm. Mẹ luôn so sánh con với người khác. Làm như vậy, vô tình Mẹ đã làm con mất tự tin đối  diện với cuộc đời này.
Nhưng bây giờ, có lẽ con đã đủ lớn để hiểu được lòng Mẹ. Nếu hôm đó con không bị đau, có lẽ con sẽ không bao giờ hiểu được. Và con cũng hiểu được Mẹ yêu con biết dường nào. Mẹ ơi, cho con xin lỗi Mẹ nhé! Con xin lỗi vì đã không hiểu được lòng Mẹ. Con xin lỗi vì đã không biết Mẹ yêu con đến dường nào! Hãy tha lỗi cho con nha Mẹ, đứa con gái chỉ biết lười và không biết làm cho Mẹ vui.
Con yêu Mẹ!
Mẹ yêu của con, Mẹ hãy sống mãi với tụi con nha Mẹ!
Chúng con yêu Mẹ lắm và chúng con sẽ cố gắng yêu thương nhau thật nhiều, để Mẹ luôn vui lòng.
8.           Kính gửi Mẹ
Con vô cùng cảm ơn Mẹ đã sinh ra con, đã sinh ra con, đã nuôi nấng và dạy dỗ và cho con một cuộc sống hạnh phúc thế này.
Con xin cảm ơn Mẹ vì Mẹ đã mua tấm vé này và cho con được dịp tham dự buổi hội thảo này đã giúp tâm hồn con lắng đọng và con phải biết quí trọng, biết trân trọng những gì con đang có.
Con yêu Mẹ, xin Mẹ hãy tha thứ tất cả những lỗi lầm của con!
Con xin cảm ơn Mẹ, từ nhỏ đến lớn con chẳng gặp nỗi buồn nào cả, Mẹ luôn chia sẻ và cho con những điều tốt đẹp nhất. Mẹ là tất cả, xin Mẹ giữ gìn sức khoẻ và xin Mẹ nhận nụ hôn bé bỏng này của con nhé!
MAMI I LOVE YOU!
Con vô cùng hạnh phúc được là con gái của Mẹ, Mẹ ơi!
 9.           Ngày của Mẹ 01/05/2010
Chúc Mẹ những ngày tháng thật tràn đầy hạnh phúc với mọi người trong vòng tay của Thiên Chúa.
Cám ơn Mẹ vì MỘT ĐỜI GÁNH NẶNG VÌ CON
10.      Mẹ ơi, con yêu Mẹ nhiều!
Hôm nay là ngày của Mẹ, con lắng đọng lại để nhìn về, nghĩ về Mẹ của con.
Con biết, Mẹ đã hy sinh nhiều cho đàn con, Mẹ đã âm thầm từng ngày qua lời kinh, qua sự lo toan để mong sao cuộc sống của chúng con được hạnh phúc. Mẹ đã âm thầm đau khổ, khi chưa nhìn thấy đàn con của Mẹ được hạnh phúc và nhiều, rất nhiều sự hy sinh đau khổ khác.
Lòng Mẹ sao thấu được hả Mẹ? Nhưng Mẹ ơi, Mẹ đừng lo nữa, vì sự hy sinh đau khổ của Mẹ có Thiên Chúa sẽ nhìn thấy, Ngài sẽ chúc phúc cho Mẹ.
Chúng con tin chắc qua sự hy sinh đó, đàn con của Mẹ sẽ ngày càng sống ngoan hơn và thương yêu Mẹ nhiều hơn..
Mẹ hãy cố gắng ăn uống và giữ gìn sức khoẻ để sống với đàn con. Mỗi lần nhìn thấy mẹ là con vui rồi!
Con yêu Mẹ nhiều!
11.      Mẹ kính yêu,
Lời đầu tiên con muốn nói lên, đó là hai tiếng: “Cám ơn”.
Cám ơn Chúa đã cho con có Mẹ và cám ơn Ba Mẹ đã cho con có mặt trên đời.
Giờ đây, suốt 30 năm rồi, con mới dám nói lên rằng: “Ba Mẹ ơi, con yêu Ba Mẹ nhiều, nhiều lắm!” và đặc biệt là Mẹ.
Có lẽ là Mẹ cũng không mường tượng ra được là đến ngày Chúa Nhật tuần thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ, ngày mà những đứa con như chúng con phải có bổn phận đáp trả tình yêu của Mẹ.
Mẹ ơi, bây giờ con biết nói gì để Mẹ hiểu là con yêu Mẹ và con nhớ Mẹ nhiều lắm.
Có lẽ lời cám ơn của con làm cho Mẹ vui nhhất sẽ là: Con sống thật ngoan, thật tốt, phải không Mẹ?
Xin Chúa ban cho Mẹ của con nhiều, thật nhiều sức khoẻ và bình an, để Mẹ sống cùng và hướng dẫn chúng con sống làm người con ngoan của Chúa và của Ba Mẹ.
Con yêu của Ba Mẹ,
12.   Ngày 01/05/2010
Mẹ yêu,
Thế là 8 năm con mồ côi Mẹ rồi. Giờ đây, con chỉ gặp Mẹ trong lúc cầu nguyện.
Mẹ ạ, Mẹ linh thiêng xin cầu cùng Chúa cho Cha con luôn mạnh khoẻ. Các anh chị em con luôn yêu thương và gần gũi nhau.
Tháng rồi Cha điện về nói hồ sơ của con đang xúc tiến. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa để con sớm được gần Cha và được gần gũi, thắp nhang trước mộ của Mẹ.
Con xin Mẹ tha lỗi cho con là ngày Mẹ ra đi, con không có mặt, không chăm sóc cho Mẹ được một phút giây.
Con xin lỗi Mẹ, ngàn lần xin lỗi Mẹ! Xin Mẹ tha thứ cho con!
 13.      Sài Gòn, ngày 01/05/2010
Mẹ kính mến!
Hình như chưa bao giờ con viết thư cho Mẹ, vì con biết Mẹ sẽ cho là khách sáo, và vì con cũng là người ít bộc lộ tình cảm của mình.
Nhưng thật lòng Mẹ ơi, con rất yêu Mẹ!
Tấm gương hy sinh, nhẫn nhịn chịu thương chịu khó của Mẹ đã nâng đỡ con rất nhiều trong cuộc sống. Có những khó khăn con vượt qua dễ dàng, vì con biết Mẹ của con cũng đã vượt qua, đã chịu đựng những hoàn cảnh như thế!
Và dù thế nào đi nữa thì con vẫn là con yêu của Mẹ và con luôn yêu kính Mẹ.
Con của Mẹ.
 14.      Ngày của Mẹ
Mẹ ơi! Hôm nay là “Ngày của Mẹ”. Ai cũng nhắc đến Mẹ làm con lại thêm nhớ Mẹ da diết. Mẹ ơi, bây giờ con muốn về bên Mẹ để ôm Mẹ, bóp tay chân và chải đầu cho Mẹ nhưng con chẳng còn có cơ hội nữa rồi.
Mẹ ơi, Mẹ đã ra đi rồi. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ con được nhìn thấy Mẹ nữa. Mẹ ơi! Con xin lỗi Mẹ!
Ôi! Không biết bao lần con đã cãi lời Mẹ, làm cho Mẹ buồn. Từ lúc lấy chồng xa Mẹ, mỗi lần muốn về thăm Mẹ, con lại tính tiền xe thấy tốn kém quá nên ít khi về thăm Mẹ. Giờ đây, có muốn về thăm Mẹ thì cũng chẳng còn gặp Mẹ nữa, Mẹ ơi! Nếu còn Mẹ, chắc chắn con sẽ không làm gì cho Mẹ buồn nữa, Mẹ ơi!
  15.      Thư gửi Mẹ rất hiền!!!
Mẹ ơi! Con đã vắng bóng Mẹ 7 năm rồi! Nhưng con biết Mẹ vẫn theo con trên từng bước đường đời, vẫn cầu nguyện cùng Chúa cho những đứa con thân yêu của mình. Bằng chứng là con và các anh em con vẫn sống vui vẽ, an bình, cho dù cuộc sống có gặp nhiều vất vả, trắc trở nhưng chúng con vẫn luôn nhớ đến Mẹ. Với gánh hàng rong trên vai, Mẹ tất tả, xuôi ngược nuôi đàn con đông. Mẹ tảo tần mưa nắng ngày qua ngày. Trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, Mẹ vẫn rộng tay với mọi đứa con, dù con ngoan, con hư, Mẹ vẫn thương yêu, chăm sóc và bây giờ, con tin chắc Mẹ về với Chúa, mẹ vẫn luôn dõi theo để cầu cùng Chúa phù hộ cho chúng con.
Con cám ơn Mẹ! Con nhớ Mẹ lắm